TÍCH CỰC TRIỂN KHAI DỰ ÁN “XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU NỀN THÔNG TIN CƠ BẢN PHỤC VỤ QUY HOẠCH, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ GIÁM SÁT TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG CHDCND LÀO”

          Sáng ngày 24/3, tại Hà Nội, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả thực hiện dự án Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin cơ bản phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào” giai đoạn 2014 - 2016. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho biết, “Xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa hình cơ bản phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và giám sát tài nguyên môi trường Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào” là Dự án do Chính phủ Việt Nam viện trợ, được hai Chính phủ Việt Nam - Lào thông qua vào tháng 7 năm 2014. Mục tiêu của dự án là thành lập bản đồ địa hình và xây dựng nền thông tin địa lý cơ bản tỷ lệ 1/50.000 cho các khu vực Bắc và Trung Lào để thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin địa hình tỷ lệ 1/50.000 hiện đại, chính xác, có tính mở, trùm phủ nước Lào.

Ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị 

          Để triển khai Dự án này, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã huy động toàn bộ lực lượng người lao động ngành đo đạc và bản đồ trên cả nước để có thể đáp ứng được yêu cầu tiến độ dự án. Đến nay, Dự án đã được triển khai tích cực và thu được rất nhiều những kết quả quan trọng, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Đây cũng chính là một minh chứng cho tình đoàn kết anh em của hai nước Việt – Lào, luôn luôn sâu sắc và bền vững. 

          Ông Phan Đức Hiếu cũng cho biết, Hội nghị này là dịp để các đơn vị thực hiện dự án cùng chia sẻ, đánh giá về toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc thực hiện dự án trong thời gian qua. Trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả của dự án trong thời gian tới. Tại Hội nghị, đi kèm với báo cáo kết quả dự án còn có các tài liệu, hình ảnh minh hoạ tất cả các kết quả; trong đó có kết quả bay chụp, triển khai nhiệm vụ thực địa (đo ảnh, đo điểm ảnh, điểm khống chế, đo độ cao, điểm vẽ ảnh, xây dựng mô hình số…). 

          Báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện dự án giai đoạn 2014 - 2016, ông Hoàng Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo phân ban hợp tác Việt - Lào, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ: TN&MT, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư; sự cố gắng, nỗ lực của các cán bộ tham gia thực hiện dự án, Dự án đã được tích cực triển khai hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng đề ra. Cụ thể, trong năm 2016, Cục đã bàn giao cho Cục Bản đồ quốc gia Lào các sản phẩm như: file dữ liệu ảnh gốc khu vực Bắc Lào; Bình đồ ảnh khu vực Bắc Lào với 156 mảnh; Bình đồ ảnh khu vực bù Trung Lào với 31 mảnh… Các sản phẩm này giúp phía Lào khai thác sử dụng và cung cấp cho các Bộ, ngành phục vụ quy hoạch rừng và một số nhiệm vụ điều tra cơ bản khác.

Ông Hoàng Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam báo cáo tổng kết tại Hội nghị 

          Đặc biệt, trong năm 2016, Cục đã triển khai thực hiện gói tăng cường năng lực và bổ sung nâng cấp thiết bị cho Cục Bản đồ quốc gia Lào; cử cán bộ Lào sang Singapor đào tạo về công nghệ quản lý vận hành hệ thống phần cứng cũng như cử các chuyên gia Việt Nam sang Lào tập huấn, chuyển giao công nghệ phần cứng, phần mềm. Đến tháng 12/2016, Cục đã bàn giao toàn bộ hệ thống trang thiết bị cũng như phần mềm xử lý ảnh, xử lý dữ liệu GPS tại Cục Bản đồ quốc gia Lào. 

          Tuy nhiên, ông Hoàng Ngọc Lâm cũng đã chia sẻ một số khó khăn gây ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng trong quá trình triển khai Dự án như yếu tố địa hình hiểm trở; thời tiết, khí hậu không thuận lợi tác động xấu đến khả năng thu nhận ảnh vệ tinh VNREDSat-1, không đáp ứng yêu cầu về chất lượng ảnh; giao thông đi lại khó khăn cùng với đó là công tác phối hợp với địa phương còn gặp nhiều bất cập … 

          Về kế hoạch năm 2017, ông Hoàng Ngọc Lâm cũng cho biết, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án mua ảnh vệ tinh phục vụ hiện chỉnh bản đồ các khu vực hở sót nhỏ dọc biên giới Lào - Thái Lan và Lào Việt Nam; tăng dày khống chế ảnh khu vực sử dụng ảnh vệ tinh SPOT 6,7, độ phân giải 1,5m với khối lượng 12 mảnh; lập bình đồ ảnh số khu vực sử dụng ảnh vệ tinh; biên tập bản đồ gốc, thành lập cơ sở dữ liệu thông tin nền điạ hình cơ bản; biên tập chế in bản đồ và bàn giao các sản phẩm của Dự án; …

Toàn cảnh Hội nghị 

          Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị thực hiện dự án đã chia sẻ về những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai dự án; thảo luận, bàn bạc để đưa ra các giải pháp khắc phục; đồng thời xác định phương hướng nhiệm vụ trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trong thời gian tới. 

          Theo ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công ty Trắc địa bản đồ, Bộ Quốc phòng - Đơn vị chịu trách nhiệm về bay chụp và in bản đồ của Dự án, để thực hiện bay chụp, đơn vị đã huy động loại máy ảnh hiện đại nhất thế giới hiện nay phục vụ dự án. Trong quá trình thực hiện, công tác xin phép bay ở khu vực biên giới với các nước rất khó khăn, đặc biệt là phía biên giới Lào giáp với Trung Quốc.

          Đối với Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam - đơn vị chủ yếu thực hiện công việc nội nghiệp, Tổng giám đốc Dương Văn Hải nhấn mạnh, đây là dự án mang quy mô, tầm cỡ quốc gia. Công ty đã huy động 3 đơn vị nội nghiệp tham gia, trang bị một số phần mềm, đặc biệt là thiết bị đo vẽ. Tuy nhiên, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện ở phần phiên dịch, thuyên chuyển địa danh. Đơn vị phải thuê cán bộ của Đại sứ quán Lào rà soát từng chữ, khó khăn nhất là địa danh không thể nắm được chính xác hay không. 

          Để đạt được quyết tâm hoàn thành các công việc cơ bản của dự án trong thời gian tới, ông Dương Văn Hải đề xuất Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và Cục Bản đồ quốc gia Lào cần tăng cường trao đổi và tìm phương pháp giải quyết các vấn đề còn tồn tại để đẩy nhanh tiến độ, kịp thời mục tiêu dự án đề ra. 

          Trên cơ sở báo cáo kết quả Dự án, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định, đây là một trong những dự án phục vụ cho công tác đối ngoại và quốc phòng an ninh nhằm góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong hoạt động đo đạc và bản đồ giữa Lào và Việt Nam nói riêng, mối quan hệ hợp tác hữu nghị lâu đời giữa hai Chính phủ Việt Nam – Lào nói chung. Vì thế, ngay từ khi bắt đầu triển khai Dự án, lãnh đạo Bộ TN&MT đã chỉ đạo sát sao đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam; chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi thường xuyên việc triển khai thực hiện Dự án, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng sản phẩm đề ra. 

          Đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả của các đơn vị liên quan trong việc thực hiện dự án thời gian qua, trong thời gian tới Thứ trưởng đề nghị các đơn vị khi đi triển khai thực hiện dự án, công tác đảm bảo chất lượng phải đặt lên hang đầu để mỗi sản phẩm của dự án ra đời phải thực sự hữu ích, có tính ứng dụng cao, là những thông tin, tư liệu quan trọng cho các Bộ, ngành của Lào làm cơ sở để phát triển kinh tế, xã hội, đất nước. Cùng với đó, phải tăng cường công tác tập huấn, đào tạo cho cán bộ của nước bạn để sau khi sản phẩm dự án được bàn giao, nước bạn có thể sử dụng tốt được sản phẩm. Trên cơ sở đó có cũng cần nghiên cứu, cập nhật kịp thời thông tin mới, bởi lẽ nếu cơ sở dữ liệu để lâu sẽ không còn giá trị. 

          Trong quá trình triển khai dự án, Thứ trưởng cũng đề xuất nên mời đại diện các Bộ, ngành liên quan cùng tham gia thực địa trong quá trình triển khai dự án để cùng nắm bắt tình hình và hiểu hơn được về tầm quan trọng cũng như ý nghĩa thực tiễn của dự án. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa đến chế độ, chính sách, đảm bảo quyền lợi cho người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dự án.