ỨNG DỤNG CIP3/CIP4 TRONG CÔNG NGHỆ IN ẤN TẠI VIỆT NAM VÀ THỰC TẾ TẠI XÍ NGHIỆP BẢN ĐỒ 1 - CÔNG TY TNHH MTV TRẮC ĐỊA BẢN ĐỒ

Ngày nay, việc thừa hưởng những tiến bộ của kỹ thuật số và công nghệ thông tin đã làm ngành công nghiệp in ấn phát triển mạnh mẽ. Với sự có mặt của máy tính và những ứng dụng của nó trên các hệ thống chế bản và máy in đã làm thay đổi căn bản các giải pháp công nghệ trong dây chuyền sản xuất góp phần rút ngắn thời gian thi công, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Ở nước ta, trong những năm gần đây khi mua sắm các trang thiết bị thì một phần quan tâm không thể thiếu là việc thiết bị đó có CIP3/CIP4 hay không? Hoặc có tương thích với CIP3/CIP4 hay không? Vậy CIP3/CIP4 là gì? Sao lại quan trọng như vậy?. Trong phần nội dung dưới đây tác giả sẽ làm rõ hơn về các câu hỏi nói trên. 1. CIP3 là gì? CIP3 là viết tắt của (International Cooperation for Integration of Prepress, Press, and Postpress). Đây là hiệp hội (ra đời năm 1994) của các công ty quốc tế, chủ yếu là các nhà sản xuất chế bản, in và gia công sau in, cũng như các nhà cung cấp và người sử dụng thiết bị. Mục tiêu của CIP3 là cải tiến và tự động hoá sản xuất các sản phẩm in bằng cách thiết lập một tiêu chuẩn trong toàn Ngành – định dạng sản xuất in PPF (Print Production Format). PPF xác định một cấu trúc dữ liệu đồng nhất và được mã hóa để kết nối. PPF này được hỗ trợ hoàn thiện bởi các sản phẩm (phần mềm và phần cứng) của các thành viên CIP3 và các công ty khác. Định dạng PPF sẽ như là bộ chứa dữ liệu cho các thông tin trao đổi giữa chế bản, in và gia công sau in. 1.1. Nội dung của tệp CIP3/PPF File CIP3/PPF chứa các mô tả tờ in, nội dung PPF có thể được lưu lại hoặc chỉnh sửa liên tục hoặc đồng thời trong một tập tin PPF. Dựa trên các quy trình phụ khác nhau trong quá trình sản xuất sản phẩm in, các nội dung được lưu, trao đổi hoặc đọc trong tệp PPF. Tập tin PPF chứa cài đặt vùng mực, di chuyển giấy, vị trí của dấu ốc (marks) chồng màu cho kiểm soát chồng màu. Tập tin PPF cũng có thể chứa các vị trí và các giá trị cài đặt của màu và mật độ cho các phép đo và kiểm soát chất lượng trực tiếp hay gián tiếp. Các thuộc tính được sử dụng trong gia công sau in: Thiết lập cắt ngang hoặc cài đặt trước đường gấp của máy in cuộn (web); Định kích thước các khối cắt và định vị các nhát cắt trong quá trình hoàn thiện sản phẩm; Cách gấp và các thông số riêng biệt của chúng cần được thiết lập từ khi bình bản, thông tin này có thể được lưu trong tệp. Trong phần hoàn thiện tiếp theo, CIP3/PPF mô tả các phần được tạo ra trong các bước trước được xử lý đến thành sản phẩm cuối cùng như thế nào. Do đó, tệp PPF có thể chứa mô tả sản phẩm hoàn chỉnh, nó bao gồm các mô tả về các hoạt động như dấu gáy (collating), hoặc tập hợp (bắt), đóng sách bằng nhiều cách khác nhau (không khâu, khâu chỉ…), xén ba mặt, hoặc thông tin về các sản phẩm đi kèm. Ngoài ra, Định dạng sản xuất in bao gồm dữ liệu quản trị, chẳng hạn như xác định công việc rõ ràng hoặc thông tin về số lượng in. Trong định dạng sản xuất in CIP3, dữ liệu chuyên biệt về sản xuất, được gọi là “dữ liệu cá nhân”, có thể được lưu trữ. Bằng cách này có thể lưu các giá trị thiết lập thực tế của một máy được sử dụng cho quá trình sản xuất và dữ liệu có nguồn gốc từ chế bản trong một tệp tin CIP3/PPF. Nếu có một công việc lặp lại giống nhau hoặc trên một máy in tương tự, cài đặt sản xuất cũ sau đó có thể được sử dụng trực tiếp. Với cơ chế “dữ liệu cá nhân”, định dạng sản xuất in CIP3 cũng có thể được sử dụng để lưu các thông số không được biết trước trong chế bản cũng như không có nguồn gốc từ thông tin đã có sẵn. Một lợi ích khác của khả năng sử dụng lại của dữ liệu này là rút ngắn đáng kể thời gian cho các công việc lặp lại. Nếu cần thiết, dữ liệu cá nhân chỉ có thể bị xóa dễ dàng trước khi dữ liệu được gửi đến các trang web sản xuất bên ngoài. Tất cả dữ liệu được lưu trữ dưới dạng có cấu trúc trong tệp CIP3/PPF, cơ cấu logic này được lập trình với cơ chế thừa kế thuộc tính dữ liệu. Do đó, một phần tử có thể kế thừa các thuộc tính từ các phần tử trên một cấp bậc cao hơn của nó. Bằng cách này, các thuộc tính hợp lệ cho một số phần tử có thể được sao chép trong một cấu trúc cấp cao hơn. Sau đó chúng có thể được lưu một lần cho tất cả các cấu trúc cấp dưới. 1.2. Ứng dụng CIP3/PPF trong dây chuyền sản xuất Ứng dụng đầu tiên, tích hợp CIP3/PPF trong dây chuyền sản xuất là cài đặt mực in. Nếu nội dung của toàn bộ tờ in tồn tại dưới dạng file CIP3/PPF, ta có thể tính toán chính xác số lượng mực cần thiết cho mỗi bản tách màu, tức là cho mỗi đơn vị in. Một số ứng dụng sử dụng khác của CIP3/PPF, ví dụ như: Tự động tạo ra các chương trình để sử dụng máy cắt và vị trí các thang tầng màu để kiểm soát chất lượng in. Mặt khác chúng cũng đóng góp rất nhiều vào việc tiết kiệm thời gian, mực in và hóa chất. Việc chuẩn bị máy in được rút ngắn, đặc biệt trong các sản phẩm in ngắn, tạo thành một lợi thế lớn. 2. CIP4 là gì? CIP4 là viết tắt của (Cooperation for the Integration of Processes in Prepress, Press and Postpress) được hiệp hội phát triển trên cơ sở CIP3 có nhiệm vụ đưa ra các tiêu chuẩn để trao đổi dữ liệu giữa các công đoạn của ngành In mà không phụ thuộc vào thiết bị. Bằng cách đưa ra một tiêu chuẩn chung duy nhất cho việc trao đổi dữ liệu, các thiết bị của các nhà cung cấp khác nhau có thể liên lạc được với nhau thông qua máy tính tạo tiền đề biến quá trình sản xuất in trở thành một quá trình CIM (Computer Integrated Manufaturing: Là hệ thống sản xuất tự động sử dụng máy tính để điều khiển tất cả các quá trình sản xuất). Thực chất đây là một quy trình hợp nhất tất cả các khâu xử lý thông tin, chế bản, in và hoàn thiện thành phẩm và cũng là một trong những quy trình sản xuất in ấn mới nhất hiện nay ứng dụng những tiến bộ của ngành Công nghệ thông tin. CIP4 quy tụ hầu hết các hãng sản xuất nổi tiếng của ngành In thế giới như Adobe, Heidelberg, MAN Roland, Agfa, Kodak, Polar, Fujifilm… và cho đến nay có gần 300 thành viên. Sự hợp tác và thống nhất này đã cho ra đời một qui trình sản xuất in ấn tiên tiến mà trong đó các thông tin về dữ liệu của sản phẩm in sẽ được lưu chuyển từ công đoạn đầu tiên là chế bản cho tới in ấn và sau cùng là hoàn thiện sau in. Những dữ liệu về sản xuất này sẽ được lưu trữ dưới dạng file máy tính có tên gọi là JDF (Job Definition Format). Tiền thân của CIP4 là CIP3 với định dạng dữ liệu là file PPF, ban đầu PPF chỉ chứa đựng các thông tin về chỉnh mực trên máy in và các thao tác đóng, xén, cắt… ở công đoạn gia công sau in. Về sau, PPF được phát triển dựa trên ngôn ngữ lập trình XML, cùng một số thông tin dạng “nhúng” khác nữa như PJTF (Adobe) để cuối cùng là JDF phiên bản 1.0 ra đời vào năm 2001 và cho đến hiện tại là phiên bản 1.3. Vì vậy, CIP4 với JDF sẽ gần như quản lý hết tất cả các thông tin về một đơn đặt hàng từ lúc nhận hàng cho tới lúc giao hàng. Người dùng chỉ cần khai báo tất cả các thông tin đó một cách chính xác và cứ thế thông tin này sẽ được lưu chuyển tuần tự đến các công đoạn sản xuất, ví dụ như: Các thiết lập về quản lý màu, bình trang tự động, trapping, overprint… cho công đoạn chế bản, đến các thiết lập về chỉnh lượng mực, số lượng in, các kiểu in… cho máy in và các thiết lập cho các công đoạn gấp tay, bắt tay, đóng bìa, xén 3 mặt… ở công đoạn sau in. Các thông tin này được lưu chuyển trên mạng Ethernet của công ty đến từng bộ phận sản xuất. Các thiết bị tại mỗi công đoạn sản xuất sẽ nhận file JDF, tự động chọn lọc và thực hiện việc xác lập đã được xác định trước. Ngoài ra CIP4 còn lưu trữ các thông tin về quản lý đơn hàng, quản lý sản xuất, định giá sản phẩm, quản lý khách hàng … ![ci31](http://website.samcom.net:1337https://api.samcom.com.vn/uploads/ci31_6f56be80ef.jpeg) 2.1. Cách thức trao đổi thông tin của CIP4 CIP4 quy định tiêu chuẩn cụ thể cho việc trao đổi thông tin trong quá trình in ấn nên tiêu chuẩn cụ thể này sẽ cho phép thông tin cần in ấn có thể trao đổi dưới 2 định dạng: JDF và JMF và cả 2 định dạng này đều được mã hóa trên máy tính bằng hệ ngôn ngữ XML. Với XML thì tính tương thích trên các nền phần cứng khác nhau cũng như việc xây dựng các ứng dụng trên nền Internet được bảo đảm. CIP4 hay JDF ngày nay đã trở thành một tiêu chuẩn công nghiệp phục vụ việc tích hợp các thiết bị hay giải pháp trong ngành công nghiệp in. Nó bao gồm tất cả các công đoạn từ quản lý vật tư, khách hàng, lên kế hoạch sản xuất, lập dự toán, tự động hóa quá trình sản xuất in, giao hàng... Bản thân CIP4 hay JDF không phải là một thiết bị hay phần mềm mà nó chỉ là một chuẩn giao tiếp. CIP4 đã và đang được ứng dụng một cách rộng rãi là xu thế phát triển tất yếu của ngành In theo hướng tiêu chuẩn hóa và tự động hóa. - JDF (Job Definition Format): Đây là định dạng có thể hiểu là một định dạng mở rộng của các thông tin có định dạng cũ như (định dạng thông tin CIP3, PPF, PJTF). Với thông tin trao đổi có định dạng JDF thì các công ty in ấn có thể tích hợp cùng 1 lúc các ứng dụng thương mại và quản lý vào các chu trình kỹ thuật của quá trình in ấn. - JMF (Job Messaging Format): Các thông tin trao đổi ở dạng phản hồi hoặc là lệnh thực thi giữa các hệ thống quản trị thông tin MIS với các trung tâm thực thi lệnh điều khiển. Như vậy, mặc dù thông tin hay dữ liệu trao đổi được định dạng ở bất cứ định dạng nào thì việc xuất hiện của CIP4 cũng đã giúp cho quá trình in ấn trở nên dễ dàng và việc đồng nhất dữ liệu ở tất cả các loại máy móc in ấn cũng trở nên đơn giản hơn rất nhiều nhờ sự ra đời của CIP4 bằng cách quy định 1 tiêu chuẩn cụ thể duy nhất cho dữ liệu, thông tin của ngành in ấn. 2.2. Chu trình làm việc với PPF - Hệ thống chế bản tạo ra file PPF đúng chuẩn CIP4 song song với quá trình chế bản và chuyển file PPF này tới xưởng in. - Tại xưởng in file PPF được đọc bởi một phần mềm chuyên dụng của hãng sản xuất máy in (Ví dụ: Prepress Interface của Heidelberg) và chuyển đổi thành các thông tin về độ mở máng mực của máy in tương ứng. Điều này tương tự như máy đọc bản kẽm cho ta các thông số về độ mở máng mực. Với một chu trình như trên điều chúng ta muốn là rút ngắn quá trình chuẩn bị máy, nhanh nhất đạt được độ phủ mực tiêu chuẩn. Kết quả là tiết kiệm vật tư, thời gian, nâng cao chất lượng. Trong thực tế người thợ in vẫn phải tiếp tục điều chỉnh những khóa mực trên máy in khi đã nạp các thông số CIP4 lên máy cho công việc tương ứng. Hiệu quả của việc ứng dụng PPF như vậy là không đạt yêu cầu. Việc điều chỉnh các khóa mực thuần tuý dựa vào kinh nghiệm của người thợ in mà không dựa trên bất cứ tiêu chuẩn kỹ thuật nào có thể định lượng được. Vậy câu hỏi được đặt ra là làm cách nào chúng ta chỉ có file PPF từ chế bản mà không cần phải điều chỉnh các khóa mực một cách thủ công? Điều này có khả thi với các trang thiết bị hiện tại hay không? 2.3. Tối ưu quá trình thiết lập thông số độ mở máng mực trên máy in offset với file PPF Phân tích lý do tại sao phải điều chỉnh các khóa mực tuỳ theo các điều kiện thực tế cho thấy: Căn cứ trên phần trăm độ phủ của từng khóa mực phần mềm chuyển đổi tính toán ra một giá trị độ mở máng mực và tốc độ lô máng. Độ chính xác phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại mực, giấy được sử dụng cho công việc in cụ thể đó. Các thông tin kèm theo trong file PPF từ chế bản phải có thông tin về chủng loại giấy, loại mực được sử dụng. Khi có những thông tin này quá trình tính toán sẽ cho ra một kết quả tốt hơn rất nhiều. Trong thực tế sử dụng tại Việt Nam chúng ta thường bỏ qua yếu tố này và tính toán các giá trị độ mở máng mực bằng các thiết lập mặc định của phần mềm. Kết quả là luôn phải can thiệp thủ công, như vậy ta thấy file PPF không chỉ đơn thuần là một file tính phần trăm độ phủ bề mặt mà còn phải chứa các thông tin về điều kiện in như loại giấy, loại mực, các đường cong bù trừ tầng thứ khi in. Qua khảo sát tất cả các file PPF được tạo ra bởi các RIP hiện có ở Việt Nam thì nhận thấy duy nhất chỉ có Meta Dimension của Heidelberg là có đầy đủ các thông tin này. Trong RIP Meta Dimension người dùng có thể xây dựng thư viện các loại giấy và mực đang sử dụng trong cơ sở in của mình. Thư viện này đồng nhất với thư viện được sử dụng trong máy in Heidelberg có trung tâm điều khiển CP2000. Trong các hệ thống điều khiển máy in offset hiện đại bao giờ cũng có các đường cong biểu thị việc thiết lập độ mở máng mực tuỳ thuộc vào phần trăm độ phủ bề mặt. Có thể có các đồ thị riêng cho giấy có tráng phủ, giấy matt, giấy thường nhưng tất cả các giá trị đó chỉ là những giá trị mặc định và chắc chắn không phù hợp với điều kiện in thực tế tại Việt Nam. Nếu muốn các giá trị từ CIP4/PPF chính xác ngay từ đầu thì chúng ta phải thiết lập các đồ thị tương ứng với các điều kiện in cụ thể của chúng ta. Ví dụ: In tạp chí, mực nippon, giấy couché Indo. Quá trình này được gọi là cân chỉnh máy in. Kết quả của quá trình này là ta có một đồ thị chính xác cho một loại sản phẩm in cụ thể. Mỗi khi loại tạp chí này được in máy in sẽ tự động chọn đúng đồ thị đã được thiết lập căn cứ trên thông tin kèm theo trong file PPF tạo ra từ RIP (Lưu ý cần có một thư viện thống nhất các loại giấy in, mực in tại cơ sở sản xuất). Điều kiện cần: RIP phải tạo được file PPF bao gồm các thông tin về giấy và mực. Về khía cạnh này thì CIP4 chỉ là một tiêu chuẩn công nghiệp mà các hãng khi thực hiện có thể chỉ hiện thực hóa được một phần nhỏ của chuẩn này. Điều kiện đủ: Máy in phải được cân chỉnh theo một điều kiện in nhất định (giấy, mực, tốc độ in). Thư viện của máy in phải đồng nhất với thư viện của chế bản và được xây dựng trên thực tế sản xuất. Khi thực hiện được đủ các điều kiện trên chúng ta sẽ đạt được khả năng khi khởi động máy chạy cho tới khi có cân bằng mực nước là chúng ta có tờ in được phủ mực tốt. Không cần phải có điều chỉnh thủ công. Việc cân chỉnh máy in theo điều kiện in thực chất là thiết lập một đồ thị mới cho mực tuỳ theo loại giấy. Thiết lập các thông số độ mở máng mực chỉ là một phần nhỏ trong khả năng ứng dụng của CIP4 tại Việt Nam. Như trên đã trình bày nếu thật sự máy in của chúng ta hay hệ thống chế bản tương thích với JDF và được kết nối mạng thì các nhà quản lý có thể ngồi bất cứ đâu thông qua chức năng “Press Reporting” để truy cập vào hệ thống báo cáo tình trạng máy in hiện tại và các chức năng thống kê nhờ JDF/JMF. 2.4. Lợi ích trong việc sử dụng CIP4 - Các dữ liệu chỉ cần thu nhận một lần. - Nhanh hơn khi thực hiện việc xác lập trên thiết bị. - Chu kì sản xuất ngắn hơn. - Kiểm soát chất lượng tốt hơn. - Quá trình sản xuất trôi chảy hơn. - Cải thiện năng xuất lao động và giảm giá thành sản phẩm. - Giảm lượng vật tư hư hao. Tuy nhiên, để làm được một qui trình hoàn hảo như thế này nghĩa là các thiết bị của bạn phải “đọc” và “hiểu” được file JDF hay nói cách khác là phải có hỗ trợ kết nối CIP4. Vì nếu như trong qui trình sản xuất có một thiết bị nào đó không đồng bộ thì mọi việc trở nên vô nghĩa, và đây chính là khó khăn của việc đầu tư và triển khai qui trình CIP4 hiện nay ở các nhà máy in. Việc ứng dụng CIP4 hiện nay cũng còn nhiều vấn đề tồn tại. Như chúng ta đã biết để ứng dụng CIP4 có hiệu quả thì phải có một hệ thống quản lý thông in MIS, tất cả các thiết bị phải tương thích CIP4 nhưng thực tế cho thấy ở Việt Nam hiện tại chỉ có thể áp dụng một phần rất nhỏ của CIP4 là tự động thiết lập các thông số của máy in căn cứ trên các thông tin từ chế bản thông qua định dạng file PPF. Các khái niệm như JDF và JMF vẫn còn xa lạ trong thực tế sản xuất. 3. Thực tế ứng dụng CIP3/CIP4 tại Xí nghiệp Bản đồ 1 Như trên chúng ta đã thấy, để nhanh nhất đạt được mục tiêu màu sắc chính xác khi chỉnh mực trên máy in offset với file CIP4/PPF từ chế bản sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Điều quan trọng nhất là phải tìm hiểu được các hãng sản xuất thiết bị thực hiện chuẩn CIP4 như thế nào và có khả năng tuỳ biến theo điều kiện in hay không. Tham gia vào quá trình này có nhiều thiết bị, phần mềm trong một chu trình sản xuất được tích hợp rất chặt chẽ. Hiện nay Xí nghiệp Bản đồ 1 đang sử dụng hệ thống chế bản và máy in hãng Heidelberg của Cộng hòa Liên bang Đức với giải pháp Druckmachinen AG với Prinect Color Solution. Cụ thể bao gồm những phần mềm và thiết bị sau: - Prinect Signa Station – Bình trang điện tử. - Prinect Meta Dimension với tuỳ chọn CIP4/PPF – Postscript /PDF RIP có khả năng tạo ra file CIP4/PPF. - Prinect PrepressInterface hay Pressroom Manager – chuẩn bị các dữ liệu phục vụ việc thiết lập thông số trước trên máy in (presetting). - Prinect CP2000 – Trung tâm điều khiển máy in Heidelberg. - Instant Gate – Tuỳ chọn của CP2000 tạo ra giao diện với Prinect Prepressinterface hay Pressroom Manager. - Color Assistance (CP2000 option) 3.1. Chế bản ![ci32](http://website.samcom.net:1337https://api.samcom.com.vn/uploads/ci32_8cbcb7c2bb.jpeg) Tất cả bắt đầu từ phần mềm bình trang điện tử. Với Prinect Signa Station thì khi khởi tạo một công việc mới ta phải điền đầy đủ các thông tin quản lý bao gồm thông tin về công việc theo lệnh sản xuất như: Số mã lệnh sản xuất, tên công việc, tên khách hàng, mã khách hàng. Chi tiết công việc như ngày hoàn thành, số lượng in… ![ci33](http://website.samcom.net:1337https://api.samcom.com.vn/uploads/ci33_c5b2a4cd83.jpeg) Trong quá trình khởi tạo công việc mới ta phải chọn loại giấy với các thông số cụ thể về khổ giấy, định lượng, độ dày. Tất cả các thông tin này sẽ được kèm theo trong file CIP4/PPF khi xuất ra tại RIP. Các thông tin quản lý giúp dễ dàng trong việc theo dõi tiến triển công việc, và có ý nghĩa như một lệnh sản xuất điện tử. Các thông tin về giấy là không thể thiếu trong file CIP4/PPF vì nó phục vụ việc thiết lập khổ in, áp lực in tự động trên các máy in Heidelberg có trang bị preset và CP2000. Tất cả các thông tin này phải đi qua RIP, PrepressInterface tới CP2000, như vậy tất cả các phần mềm này phải có chung một cơ sở dữ liệu về giấy. Heidelberg cho phép người dùng tạo ra một cơ sở dữ liệu trung tâm trong đó tất cả các loại giấy thông dụng trong cơ sở in hiện tại có thể được khai báo. Nếu có một cơ sở dữ liệu dùng chung thì quá trình thiết lập các thông số trước có thể được thực hiện hoàn toàn tự động, nếu không người dùng phải chọn chủng loại giấy tại mỗi công đoạn. Khi in từ Prinect Signa Station tới Meta Dimension RIP với chức năng tạo ra file CIP4/PPF ta có các thông số như sau: ![ci34](http://website.samcom.net:1337https://api.samcom.com.vn/uploads/ci34_d04f90040d.jpeg) Tên loại giấy: Ví dụ trong hình là Zanders-Mega-glatt-135. Thông số này từ Prinect Signa Station. Chủng loại giấy: HD ISO 60 Paper type 1+2 positive, thông số này được liên kết tự động với tên loại giấy Zanders-mega-glatt-135 trong cơ sở dữ liệu giấy hoặc ta có thể tuỳ chọn. Tên loại mực: Aniva, loại mực có thể được tự động nạp cùng với nhóm điều chỉnh bù trừ tăng tầng thứ trong ví dụ trên là Calibration Group Drupa04 hay tự chọn. Các thông tin Chủng loại giấy, loại mực sử dụng sẽ được ghi trong file CIP4/PPF tới PrepressInterface và sau đó là CP2000. ![ci35](http://website.samcom.net:1337https://api.samcom.com.vn/uploads/ci35_10fc02f063.jpeg) 3.2. Máy in Trung tâm điều khiển máy in đóng vai trò quyết định đến độ chính xác của việc điều chỉnh mở khoá mực. Các thông tin về giấy, loại mực in trong file CIP4/PPF là điều kiện cần. Đồ thị tương quan giữa phần trăm độ phủ bề mặt và độ mở khóa mực tương ứng thích hợp với loại giấy và mực thực tế là điều kiện đủ để ta có thể chỉ chạy máy một lần khi có cân bằng mực nước là đạt được sự chính xác về màu sắc. Thông thường trong bất cứ máy in hiện đại nào chúng ta cũng có đồ thị này. Đây là một đồ thị chung nhất và tất nhiên nó không thể chính xác với các điều kiện in rất phong phú trong thực tế với các loại vật tư khác nhau và yêu cầu chất lượng khác nhau. ![ci36](http://website.samcom.net:1337https://api.samcom.com.vn/uploads/ci36_06283cc897.jpeg) Khi sử dụng CIP4/PPF file từ chế bản, người thợ in vẫn phải điều chỉnh khóa mực để đạt được kết quả như mong muốn thông thường là từ 2 đến 3 lần dừng máy. Mục tiêu của chúng ta là giảm số lần dừng máy canh bài xuống 1-2 lần. Nếu đặt trong bối cảnh sản xuất công nghiệp trong một thời gian dài chúng ta sẽ thấy giảm trung bình 1 lần dừng máy canh bài cho mỗi hợp đồng in sẽ đem lại sự tiết kiệm lớn về vật tư, thời gian chuẩn bị cũng như có thể in được nhiều hợp đồng hơn trong cùng một quỹ thời gian. Vậy câu hỏi là máy in có cho phép có nhiều đồ thị khác nhau cho các loại giấy mực khác nhau hay không? Trung tâm điều khiển CP2000 của các máy in Heidelberg cho phép lưu với số lượng không hạn chế các đồ thì này cho từng loại giấy, từng loại mực và từng màu in. Khi các đồ thị này được lựa chọn một cách tự động khi nạp file CIP4/PPF từ chế bản người thợ in vẫn có khả năng chọn lại đồ thị khác phù hợp với điều kiện in đã thay đổi từ cơ sở dữ liệu của mình. ![ci37](http://website.samcom.net:1337https://api.samcom.com.vn/uploads/ci37_56f4e9cff0.jpeg) Câu hỏi thứ hai đặt ra là làm sao có được các đồ thị này phù hợp với điều kiện in thực tế của cơ sở, với cụ thể loại giấy, loại mực ta đang dùng? Giải quyết vấn đề này cần rất nhiều công sức, thông thường cách làm như sau: - Nạp file CIP4/PPF – In testform với loại giấy và mực cần khảo sát. - Tiến hành đo trên testform – tính toán các giá trị điều chỉnh – điều chỉnh thủ công đồ thị inkpresetting. - Rửa bộ phận cấp mực – nạp file CIP4/PPF dùng đồ thị mới để tính độ mở khóa mực rồi in lại với các giá trị mới. - Lặp lại quá trình trên đến khi chỉ một lần chúng ta có các giá trị màu sắc mong muốn. Với các công đoạn như trên thông thường người ta cần 10.000 giấy và 1 ngày công để điều chỉnh một đồ thị cho một loại giấy và 1 loại mực. Color Assistance của CP2000 là một giải pháp tuyệt vời cho vấn đề trên. Nạp file CIP4/PPF – In sản phẩm với một loại giấy, mực cụ thể – Điều chỉnh đến khi đạt màu sắc với các giá trị mong muốn. Dùng Color Assistance tạo ra đồ thị mới hay điều chỉnh đồ thị hiện có cho loại giấy và mực đó. Đồ thị này được dùng cho các công việc in kế tiếp với cùng loại giấy, mực. Color Assistance cho phép điều chỉnh chính đồ thị đó khi có các thay đổi nhỏ. Bằng cách điều chỉnh liên tục trong thực tế in chúng ta sẽ có đồ thị tương thích với điều kiện in và với từng khách hàng thực tế. ![ci38](http://website.samcom.net:1337https://api.samcom.com.vn/uploads/ci38_70a52065f8.jpeg) Với Color Assistance việc tạo ra các đồ thị trở nên dễ dàng chỉ qua một lần nhấn phím và không tốn vật tư và ai cũng có thể làm được mà không cần các kiến thức chuyên sâu. Nó là mắt xích cuối cùng còn thiếu trong việc kết nối hoàn hảo chế bản và in sao cho chúng ta có được sự chính xác về màu sắc một cách nhanh nhất. Như vậy để có được sự chính xác về màu sắc khi ứng dụng CIP4/PPF chúng ta phải thoả mãn các điều kiện sau: - Quá trình in phải được tiêu chuẩn hoá (điều kiện tiên quyết) - Một hệ thống chế bản có khả năng tạo ra file CIP4/PPF đúng chuẩn CIP4 với các thông tin kèm theo về giấy, mực in (điều kiện cần) - Trung tâm điều khiển máy in phải có các đồ thị Inkpresetting phù hợp với từng loại giấy mực thực tế (điều kiện cần) - Phải có một công cụ dễ dàng tạo ra các đồ thị đó hay tiến hành khảo sát điều chỉnh đồ thị phù hợp (điều kiện đủ). Kết luận CIP3/CIP4 đã và đang được ứng dụng một cách rộng rãi tại Việt nam và cũng là xu thế phát triển tất yếu của ngành in theo hướng tiêu chuẩn hóa và tự động hóa. Lĩnh vực ứng dụng của CIP4 rất rộng, đặc biệt là trong quản lý sản xuất in. Tại Việt Nam chúng ta mới bắt đầu tiếp cận với kỹ thuật này với chức năng rất nhỏ trong việc chỉnh mực trên máy in offset bằng các thông tin từ chế bản (file PPF). Ngay trong lĩnh vực này cũng còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Các thông tin kỹ thuật về CIP4 trên các tạp chí chuyên ngành còn thiếu và sơ lược. Với bài viết này tôi muốn đóng góp một vài kiến thức tổng hợp làm rõ hơn về CIP3 và CIP4 đã và đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong ngành in Việt Nam nói chung và từng bước được áp dụng tại Xí nghiệp Bản đồ 1 – Công ty TNHH MTV Trắc địa Bản đồ nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng sản phẩm in trong đó bao gồm cả in ấn bản đồ quân sự. Tài liệu tham khảo https://www.printcalibrationservices.co.uk › CIP3 and CIP4 explained -Print Calibration Services https://confluence.cip4.org › CIP3 Print Production Format - CIP4 Confluence https://www.printweek.com/news/article/cip4-releases-new-version-of-its-jdf-specification http://vn.joyful-printing.net/info/what-is-the-difference-between-cip3-and-cip4-30317098.html http://www.joyful-printing.net http://www.joyful-printing.org